Làm 3 vụ mỗi năm, nâng thu nhập lên 200 triệu đồng/ha

Từ cánh đồng hai vụ bấp bênh, người dân xã Hàm Ninh chuyển sang làm ba vụ (một vụ lúa, hai vụ màu) giúp thu nhập tăng cao, có thể đạt 200 triệu đồng/ha/năm.

Trước đây, vùng cánh đồng ngoài của xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) vốn thiếu nước tưới nên bà con chỉ làm một vụ lúa đông xuân và bỏ hoang hoặc làm vụ hè thu trông vào nước trời, trời cho mưa thì được ăn, không thì mất trắng. Sau khi có nguồn nước thủy lợi Rào Đá đưa về, bà con đã làm hai vụ. Tuy nhiên, sản xuất lúa vẫn còn bấp bênh. Những năm gần đây, bà con chuyển đổi làm một vụ lúa đông xuân và một vụ dưa xuân hè để tăng thu nhập. Có năm, diện tích trồng dưa hấu lên đến 50ha, bà con thu nhập 150 triệu đồng/ha.

Vụ ngô đông xuân trên cánh đồng lúa xã Hàm Ninh. Ảnh: T. Phùng.

Từ năm ngoái, một số bà con nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lách thời vụ để làm ba vụ trên đồng.

Trong chòi canh sát cánh đồng ngô, ông Lê Hữu Hắt (xã Hàm Ninh) đang ngồi bàn tính chuyện cây trồng trên đồng với mấy nông dân trrong thôn. Phía trước căn chòi là vạt ruộng ngô lên xanh bời bời, cờ ngô trổ lắc nhẹ trước gió.

Ông Hắt bảo, sau khi thu hoạch vụ hè thu thì không làm vụ đông xuân mà cho ruộng nghỉ ngơi. Đến cuối năm ngoái thì làm đất và xuống giống ngô. Ngô bón phân chuồng nên tốt đậm, mỗi cây cho 3 – 4 trái non. Nhà tôi thu hoạch ngô non (ngô bao tử) để làm món “dưa bao tử chua ngọt” rất đắt hàng. Ngô lấy trái thì thu hoạch sau. Thân, lá ngô bán cho những hộ chăn nuôi trâu, bò”, ông Hắt nói thêm.

Ông Hắt cũng cho hay, sau khi thu hoạch xong vụ ngô đông, ông bồi bổ đất bằng phân chuồng ủ hoai trộn thêm phân tổng hợp để trồng dưa hấu vụ xuân hè. Vụ dưa hấu này sẽ bán trong dịp hè nên giá cao. Thương hiệu dưa Hàm Ninh cũng đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao nên giá tốt, bà con có lãi khá.

Bà con xã Hàm Ninh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để làm 3 vụ/năm. Ảnh: T. Phùng.

Theo nông dân xã Hàm Ninh, nhiều năm nay bà con đã chuyển sang sản xuất 1 vụ lúa và 1 vụ dưa xuân hè nên ruộng dưa có dấu hiệu “quen đất”, phát sinh nhiều sâu bệnh hại. Vì vậy cần chuyển đổi cây trồng và lách thời vụ để hạn chế sâu bệnh.

Trên vạt ruộng mới chuyển từ trồng lúa sang trồng dưa, ông Nguyễn Hiền cho hay: Ruộng lúa ở vùng dễ thoát nước bà con thường chuyển đổi sang làm dưa. Sau chừng 2 – 3 vụ dưa lại quay về làm lúa để thay đổi “hơi đất”, tránh sâu bệnh và giữ ruộng cho vụ dưa những năm sau.

Hiện bà con ở Hàm Ninh Những đã áp dụng kỹ thuật phủ nilon cho luống dưa. “Giống dưa hấu Hắc Mỹ Nhân rất hợp với đất ruộng ở đây. Sau vụ dưa xuân hè, bà con có thể xuống giống thêm vụ đậu xanh hoặc đậu khác. Như vậy từ chỗ mỗi năm chỉ làm 2 vụ, hiện bà con mỗi năm đã làm 3 vụ khá chắc ăn”, ông Hiền chia sẻ.

Ruộng dưa hấu vụ xuân hè ở xã Hàm Ninh. Ảnh: T. Phùng.

Trong chòi canh, cuộc chuyện trò thêm phần rôm rả khi vợ ông Hắt đưa lọ “dưa bao tử” ngâm chua ngọt ra mời khách đặt bên chai rượu nếp trong vắt, thoảng hương thơm lừng. Tôi nếm quả dưa bao tử, vị chua cay thấm vào trong cái giòn ngọt của dưa thật đậm hương vị đồng quê.

“Bà con ai cũng thấy chuyển đổi làm 3 vụ thu nhập tăng lêm rất nhiều, có thể đạt tới 200 triệu đồng mỗi ha. Tuy nhiên chúng tôi cũng thận trọng, không chuyển đổi ồ ạt”, ông Hắt nói

Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

Phát triển kinh tế tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp

Phát triển kinh tế tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp đang trở thành một …