Lạng Sơn khoanh vùng, khống chế các ổ dịch tả lợn Châu Phi

Lạng Sơn yêu cầu các địa phương kịp thời chỉ đạo xử lý dứt điểm các ổ dịch tả lợn Châu Phi, không để bùng phát dịch bệnh, hạn chế phát sinh ổ dịch mới.

Thời điểm cuối tháng 4 đầu tháng 5/2025, một số địa phương của tỉnh Lạng Sơn xuất hiện các ổ dịch tả lợn Châu Phi. Cụ thể, thôn Làng Trang, xã Thiện Tân (huyện Hữu Lũng) có số lợn chết và tiêu hủy là 40 con; thôn Đồng Bé, xã Yên Bình (huyện Hữu Lũng) số lợn ốm và buộc tiêu hủy là 10 con. Hiện ổ dịch ở thôn Làng Trang đã được khống chế.

Còn ổ dịch tại thôn Đồng Bé, ngành chức năng đang tiếp tục khoanh vùng, giám sát chặt chẽ. Tại huyện Lộc Bình và Văn Lãng cũng xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi.

Người dân Lạng Sơn hưởng ứng tiêm phòng dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Trí Dũng.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lạng Sơn Đinh Thị Thu, hiện vẫn có tình trạng lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi, nhưng chỉ xảy ra cục bộ ở một vài địa phương và đều được ngành chức năng khoanh vùng, giám sát chặt chẽ. Để kiểm soát, không cho dịch tả lợn Châu Phi lan ra diện rộng, Sở khuyến cáo người chăn nuôi không được chủ quan, lơ là và đề nghị UBND các huyện, thành phố kịp thời chỉ đạo xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để bùng phát dịch bệnh, hạn chế phát sinh ổ dịch tả lợn Châu Phi mới.

Bên cạnh đó tiến hành tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh; chủ động triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Bố trí các nguồn lực, kinh phí để triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi nói riêng và dịch bệnh động vật nói chung đã được tỉnh phê duyệt; không để việc sắp xếp tổ chức bộ máy tại địa phương ảnh hưởng đến công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, trước pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo để xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý.

“Chúng tôi cũng đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh căn cứ tình hình lưu hành các loại mầm bệnh, nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi, khuyến cáo sử dụng vaccine trên địa bàn tỉnh phù hợp. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ vật tư, hoá chất sát trùng, trang thiết bị bảo hộ cần thiết phục vụ công tác triển khai tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi đảm bảo hiệu quả, an toàn”, bà Thu cho hay.

Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

Chuyển đổi từ con tôm sang cá nước lợ, hiệu quả vẫn là ẩn số

Khi nuôi tôm gặp khó, nhiều nông dân Sóc Trăng chuyển đổi sang cá nước …