Thách thức xuất khẩu thủy sản: [Bài 2] Chuyển hướng

Thuế đối ứng của Mỹ áp lên hàng hóa nhập khẩu đang làm xáo trộn thị trường. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản còn phải đối mặt thêm với vấn đề thiếu nguyên liệu.

Giá tôm nguyên liệu giảm

Ông Phan Đức Đạt, chủ 19 ao nuôi tôm ở huyện Long Đất (Bà Rịa – Vũng Tàu), cho biết, ngay từ khi có thông tin Mỹ áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, giá tôm nguyên liệu đã giảm mạnh.

“Giá tôm cứ cách ngày là giảm 5.000 đồng/kg, trong 1 tuần đã giảm 20.000 đồng/kg. Đến khi có thông tin thuế đối ứng hàng qua Mỹ giảm còn 10% thì mới ngưng giảm. Hiện giá tôm thẻ chân trắng loại 30 con/kg đã hạ còn 165.000 – 170.000 đồng/kg”, ông Đạt nói.

Giá tôm thẻ chân trắng biến động khiến người nông dân chịu thiệt thòi lớn. Ảnh: Lê Bình.

Đang vào mùa thu hoạch tôm nên thông tin Mỹ áp thuế đối ứng khiến nông dân rất rầu. Ông Huỳnh Văn Thuyết, Giám đốc HTX Chợ Bến (huyện Long Đất), cho biết, HTX vừa thu hoạch 30 tấn tôm. Đáng lẽ sẽ có lời 50.000 – 60.000 đồng/kg nhưng do giá giảm 20.000 đồng/kg khiến HTX mất lãi 600 triệu đồng.

“May mà giá đã ngừng giảm chứ nếu còn giảm nữa sẽ lỗ, bởi giá thành 1 kg tôm loại 30 con/kg hiện nay đã là 140.000 – 150.000 đồng/kg”, ông Thuyết nói.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Mỹ là thị trường lớn, truyền thống và có tính định hướng đối với thủy sản Việt Nam, có kim ngạch xuất khẩu hằng năm khoảng 2 tỷ USD, chiếm 1/5 giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước. Trong đó, 70% sản phẩm xuất khẩu là thủy sản nuôi trồng (tôm, cá tra, nhuyễn thể, cá nước ngọt khác) và 30% từ hải sản khai thác. Mỹ đang là thị trường nhập khẩu số 1 của tôm, cá ngừ Việt Nam.

Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn từ các thị trường nhập khẩu chủ lực như EU và Mỹ. Ảnh: Lê Bình.

Hiện, có hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu và có kế hoạch xuất thủy sản sang thị trường Mỹ với những đơn hàng lớn, giá trị cao. Theo thống kê sơ bộ của VASEP, khoảng 37.000 tấn thủy sản các loại đang trên đường vận chuyển tới Mỹ và khoảng 31.500 tấn hàng xuất khẩu trong tháng 4, 5/2025 và các đơn hàng đã được ký kết cho năm nay cũng khoảng 38.500 tấn. Phương thức vận chuyển chủ yếu là giao hàng tận kho, tức là doanh nghiệp Việt Nam phải trả toàn bộ chi phí (vận chuyển, bảo hiểm, thuế) trước khi giao hàng và chờ thanh toán từ đối tác Mỹ.

Theo các chuyên gia, thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ được hưởng thuế 0% hoặc 5,5-7% do thuế chống bán phá giá và sẽ chịu thêm 10% thuế đối ứng mới, áp dụng trong 90 ngày (tính từ ngày 9/4). Điều này có nghĩa, thuế bán thủy sản Việt Nam vào Mỹ sẽ tăng mạnh trong 90 ngày tới nhưng so với mức đã công bố trước đó là 46%, thì vẫn thấp hơn rất nhiều.

Đây là cơ hội để doanh nghiệp thủy sản giải quyết khó khăn trước mắt với kỳ vọng giữ được khách hàng, chờ một mặt bằng thuế mới trong tương lai khi có kết quả đàm phán.

Giải bài toán thị trường và thiếu nguyên liệu

Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Baseafood, cho biết, thị trường xuất khẩu hải sản của công ty qua Mỹ không nhiều, chỉ chiếm khoảng 3-4% tổng sản lượng xuất khẩu. Công ty còn một số đơn hàng xuất khẩu bạch tuộc, cá các loại đi Mỹ ký từ năm 2024 chưa giao hàng, sẽ tận dụng khoảng thời gian 90 ngày vàng này để cung cấp, vận chuyển cho đối tác.

Các doanh nghiệp, HTX nuôi thủy sản tại Bà Rịa – Vũng Tàu đang tự tìm hướng đi cho mình trong bối cảnh nhiều khó khăn bủa vây. Ảnh: Lê Bình.

Để giảm bớt tác động từ thị trường Mỹ và EU, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh kế hoạch chuyển hướng thị trường sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông… Hiện hầu hết các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đều có thị trường xuất khẩu chính là châu Á, chỉ còn vài doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ, nhưng tỷ lệ cũng thấp, dưới 10%.

“Không chỉ thuế suất cao, năm nay thị trường Mỹ và cả EU cũng đưa ra nhiều rào cản kỹ thuật với hàng thủy sản nhập khẩu. Trước công ty cũng có nhiều đơn hàng đi Mỹ, EU nhưng năm nay chúng tôi đã chuyển dần thị trường sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc”, ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến hải sản Đông Dương (thành phố Vũng Tàu), cho biết.

Các trang trại, HTX nuôi tôm cũng tăng cường việc bán hàng ở thị trường trong nước. “Chúng tôi đẩy mạnh việc đưa tôm vào tiêu thụ ở các hệ thống siêu thị lớn như Co.opMart, Bách hóa Xanh để phân tán bớt sức ảnh hưởng của thị trường Mỹ và giữ giá bán không để rớt xuống nữa”, ông Huỳnh Văn Thuyết, Giám đốc HTX Chợ Bến, chia sẻ.

Ông Đào Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tứ Hải, cho biết, Nhật Bản hiện là thị trường chính của công ty với kim ngạch xuất khẩu hơn 16,2 triệu USD, chiếm 90% giá trị xuất khẩu năm 2024. Quý I/2025, công ty xuất khẩu hải sản được khoảng 4 triệu USD, chủ yếu cũng qua thị trường này.

“Tứ Hải xuất khẩu được bao nhiêu là đối tác Nhật Bản bao tiêu hết. Tuy nhiên, năm nay, doanh nghiệp cũng đang đối mặt với việc nguồn cung thiếu trầm trọng do nguồn lợi thủy sản cạn kiệt dần, mùa này lại là mùa đánh bắt thấp điểm trong năm nên dù có đơn hàng, công ty cũng không đáp ứng đủ được”, ông Tuấn thông tin.

Chế biến xương cá đục sấy khô xuất khẩu đi Nhật Bản ở Công ty Tứ Hải (thành phố Vũng Tàu). Ảnh: Lê Bình.

Tình trạng thiếu nguyên liệu ngày càng trầm trọng làm ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản cũng là vấn đề nan giải ở các doanh nghiệp khác. Ông Nguyễn Văn Lộc cho biết, công ty có đơn đặt hàng xuất khẩu trong quý I/2025 là 200 tấn hải sản mực, bạch tuộc, cá biển các loại nhưng nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 20%. Công ty đã tăng cường nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài nhưng vẫn không đủ dù giá cao, lợi nhuận giảm.

Tương tự, Công ty Baseafood cũng đang đối mặt khó khăn trên, buộc phải tăng cường nhập khẩu nguyên liệu. Theo ông Trần Văn Dũng, mấy năm trước, nguyên liệu thủy sản trong nước dùng để chế biến xuất khẩu chiếm 70%, nhập khẩu chỉ khoảng 30% thì hiện nay, tỷ lệ này đã đảo ngược lại.

Theo các doanh nghiệp, việc nhập khẩu nguyên liệu trong năm nay đã không còn thuận lợi vì sản lượng đánh bắt sụt giảm trên toàn cầu, dẫn đến giá cả tăng cao. Các công ty đang có kế hoạch phát triển nuôi biển để có nguồn nguyên liệu ổn định.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Công ty Đông Dương, cho biết, công ty đang xúc tiến liên kết với các hộ nuôi biển ở xã Long Sơn (thành phố Vũng Tàu) ký hợp đồng cung cấp các loại cá biển nuôi như: cá chim trắng vây vàng, cá mú, chẽm…

Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

Trung Quốc chấp thuận thêm 829 mã vùng trồng, 131 mã đóng gói sầu riêng Việt Nam

Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa mở rộng danh sách mã số vùng trồng …